Mục 4 của cuốn sách có tựa đề
TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA LÀ GÌ?
Một giới thiệu rất ngắn về triết học
của tác giả Thomas Nagel
Email: lethihongphuong@mail.ru
Hiệu đính bởi Mai K Đa
maikda@outlook.com
4. VẤN ĐỀ TÂM TRÍ – THỂ XÁC
Hãy gạt
chủ nghĩa hoài nghi sang một bên và giả sử rằng, thế giới vật lý đang tồn tại,
bao gồm cả thể xác và bộ não của bạn. Và chúng ta hãy đặt sang một bên sự hoài
nghi của chúng ta về những tâm trí khác. Tôi sẽ xuất phát từ việc, bạn sở hữu ý
thức nếu bạn cũng đồng ý nghĩ về tôi như vậy. Bây giờ, chúng ta đặt ra một câu
hỏi: mối quan hệ giữa ý thức và bộ não của chúng ta là gì?
Chúng
ta đều biết rằng, những gì đang diễn ra trong tâm trí sẽ phụ thuộc vào những gì
đang diễn ra với thể xác. Nếu bạn đánh vào đầu gối, nó sẽ đau. Nếu bạn nhắm mắt
lại, bạn sẽ không nhìn thấy xung quanh. Khi bạn nếm thử miếng sôcôla, bạn sẽ cảm
thấy hương vị của nó. Nếu bị đánh mạnh vào đầu, con người sẽ mất ý thức.
Tất cả
rõ ràng cho chúng ta thấy rằng: để có một cái gì đó diễn ra trong tâm trí hoặc
trong ý thức của chúng ta, phải có một điều gì đó diễn ra trong bộ não của
chúng ta. (Bạn sẽ không thấy đau ở đầu gối bầm tím nếu những xung động trong hệ
thống thần kinh không chạy từ chân xuyên qua tủy sống đến bộ não trên đầu).
Chúng ta không biết điều gì đang diễn ra trong bộ não khi bạn đang nghĩ: “Tôi tự
hỏi liệu tôi có kịp ghé vào tiệm cắt tóc vào chiều nay không?”. Nhưng chúng ta
có thể hoàn toàn chắc chắn rằng: một cái gì đó phải xảy ra – một cái gì đó có
liên quan tới những thay đổi điện hóa trong hàng tỷ tế bào thần kinh, những thứ
mà đang tạo thành bộ não của chúng ta.
Trong một
số trường hợp, chúng ta biết được bộ não ảnh hưởng như thế nào đế ý thức và ngược
lại, ý thức – đến bộ não. Ví dụ, chúng ta biết rằng, việc kích thích các vùng
não ở phần chỏm của đầu sẽ gây ra các hình ảnh thị giác. Và chúng ta cũng biết
rằng khi các bạn quyết định lấy một mẩu bánh kem, thì một nhóm xác định các tế
bào thần kinh sẽ gửi xung động đến các cơ tay của bạn. Tất nhiên, chúng ta
không biết nhiều các chi tiết, nhưng có một điều rõ ràng là: có những mối liên
hệ phức tạp giữa cái đang diễn ra trong tâm trí của chúng ta với những quá
trình vật lý đang diễn ra trong bộ não của chúng ta. Điều này diễn ra một cách
cụ thể như thế nào – đó là vấn đề của khoa học, không phải của triết học.
Nhưng
có câu hỏi triết học liên quan đến mối quan hệ giữa ý thức và bộ não, và câu hỏi
này như sau: có hay không sự khác biệt giữa ý thức của chúng ta với bộ não của
chúng ta, mặc dù ý thức có liên quan đến bộ não hoặc nó chính là bộ não của
chúng ta? Liệu suy nghĩ, cảm xúc, tri giác, cảm giác và ước muốn của chúng ta
có phải là một cái gì đó được bổ sung vào trong tất cả các quá trình vật lý bên
trong bộ não, hay chính chúng là một trong số những quá trình này?
Cái gì
đang diễn ra, ví dụ như khi chúng ta cắn một thanh sôcôla? Sôcôla tan trong lưỡi
của bạn gây ra những thay đổi hóa học trong các cơ quan vị giác; sau đó, chúng
gửi những xung điện theo các sợi thần kinh kết nối lưỡi với bộ não và khi những
xung điện này đến các vùng xác định của não, chúng sẽ gây ra những thay đổi vật
lý ở đó và cuối cùng, các bạn sẽ cảm thấy hương vị của sôcôla. Nhưng cái này là
gì? Có thể, nó là một sự kiện vật lý đơn giản trong những tế bào nào đấy của bộ
não hay là một cái gì đó mang bản chất hoàn toàn khác?
Nếu nhà
khoa học tự nhiên có thể nhìn thấy dưới nắp hộp sọ của bạn và nhìn vào bộ não của
bạn vào thời điểm bạn nếm sôcôla, anh ta sẽ nhìn thấy một khối màu xám các nơ
ron. Nếu anh ta sử dụng các thiết bị đo lường để xác định điều gì đang diễn ra
trong lòng bộ não, thì anh ta sẽ khám phá được các quá trình vật lý đa dạng và
phức tạp đang diễn ra. Nhưng liệu anh ta có tìm thấy hương vị của sôcôla ở
trong đó?
Có lẽ
anh ta sẽ không tìm thấy nó trong bộ não, bởi vì những cảm giác vị giác từ
sôcôla bị đóng kín trong ý thức của chúng ta theo cách mà chúng không thể được
nhìn thấy bởi bất kỳ người quan sát nào từ bên ngoài – ngay cả khi anh ta mở hộp
sọ của chúng ta và quan sát chính bộ não. Những xúc cảm của chúng ta nằm bên trong
ý thức của chúng ta và đặc điểm “bên trong” này khác với nghĩa vị trí của bộ
não bên trong đầu. Một người nào đó khác có thể mở hộp sọ của bạn ra và nhìn
vào nội dung của nó, nhưng không ai có thể mở được ý thức của chúng ta và quan
sát được nó trong mọi trường hợp theo cách tương tự.
Vấn đề
không phải ở chỗ, hương vị của sôcôla – đó chính là hương vị, do vậy không thể
nhìn nó bằng mắt thường. Giả sử một nhà khoa học đủ điên để cố gắng theo dõi vị
giác của bạn về thanh sôcôla bằng cách nếm bộ não của bạn khi bạn đang ăn
sôcôla. Nhưng trước hết, bộ não của bạn, có lẽ, làm cho anh ta biết được hương
vị của sôcôla. Kể cả anh ta biết được nó thì anh ta cũng không thể xâm nhập vào
trong ý thức của các bạn và cảm nhận được cảm giác của bạn về hương vị sôcôla là
như thế nào. Anh ta cũng chỉ có thể khám phá ra một điều lạ lùng là, khi bạn
đang ăn sôcôla, bộ não của bạn sẽ thay đổi để nó có được vị của sôcôla và những
người khác cũng diễn ra như vậy. Anh ta sẽ có hương vị sôcôla của mình, còn bạn
cũng có hương vị sôcôla riêng của bạn.
Nếu những
tri giác của bạn diễn ra ở bên trong ý thức không phải như cách mà các quá
trình đang diễn ra trong bộ não, thì dường như, những tri giác và các trạng
thái tinh thần khác không thể đơn giản là các trạng thái vật chất của bộ não.
Chúng phải là một cái gì đó lớn hơn thể xác của chúng ta với hệ thống thần kinh
phức tạp và hoạt động một cách liên tục.
Một kết
luận có thể đưa ra là, phải có sự tồn tại của linh hồn được kết nối với thân
xác theo một cách nào đó để chúng có thể tương tác với nhau. Nếu điều này là
đúng, thì bạn sẽ được tạo thành từ hai khởi nguyên rất khác nhau: một cơ thể vật
chất được tổ chức phức tạp và linh hồn, cái mà tồn tại một cách thuần túy tinh
thần. (Quan điểm này được gọi là thuyết nhị nguyên).
Tuy nhiên,
nhiều người cho rằng, niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn đã lỗi lời, phi khoa
học. Tất cả những gì có trong thế giới đều được tạo thành từ vật chất – từ sự kết
hợp khác nhau của một hoặc nhiều nguyên tố hóa học. Vì sao chúng ta không nên
suy nghĩ như vậy? Cơ thể của chúng ta phát triển nhờ vào các quá trình vật lý
phức tạp từ một tế bào duy nhất được sinh ra trong quá trình thụ thai do sự kết
hợp giữa tinh trùng và trứng. Vật chất được tích lũy dần dần trong quá trình
này như trứng được thụ tinh biến thành em bé với tay, chân, tai, mắt và não và
sau đó có thể vận động, cảm giác và nhìn, và cuối cùng – có thể nói và suy
nghĩ. Một vài người trong chúng ta tin rằng, một hệ thống vật lý phức tạp này
là một điều kiện đủ để bắt đầu đời sống tin thần. Tại sao không? Và làm thế nào
để chứng minh điều này không phải như vậy bằng các luận cứ triết học thuần túy?
Triết học
không thể kể cho chúng ta biết được những ngôi sao và kim cương được tạo ra từ
cái gì, và chúng ta cũng không biết chúng đến từ đâu, con người được tạo thành
từ cái gì và không được tạo thành từ cái gì?
Có quan
điểm cho rằng, trong con người không có cái gì cả ngoại trừ vật chất và trạng
thái ý thức của con người chỉ là một quá trình vật lý của bộ não. Quan điểm này
được gọi là chủ nghĩa vật lý (đôi khi được gọi là chủ nghĩa duy vật). Các nhà vật
lý không có một lý thuyết đặc biệt về việc những quá trình nào trong não có thể
xác định được kinh nghiệm của việc nếm hương vị của socola. Nhưng họ tin rằng,
các trạng thái tinh thần chỉ là trạng thái của bộ não và không có một lý lẽ triết
học nào khác để tin rằng điều này có thể khác đi. Và còn những chi tiết – đó là
công việc của các nghiên cứu và khám phá khoa học.
Tư tưởng
ở đây là, chúng ta có thể biết được rằng, nhận thức thực sự là các quá trình
trong bộ não, cũng giống như khi chúng ta biết rằng, chúng ta không thể phán
đoán được bản chất thực sự của các sự vật quen thuộc, nếu chúng không đặt chúng
dưới sự xem xét của các phương pháp khoa học đặc biệt. Ví dụ như kim cương được
tạo thành từ cácbon, có thành phần giống với than đá, chỉ có cấu trúc mạng
nguyên tử của chúng là khác nhau. Và nước như chúng ta đã biết, được tạo thành
từ các nguyên tử hydro và oxy mặc dù cả hai khí này không giống với nước theo bất
kỳ cách nào.
Vì vậy,
cảm giác hương vị của sôcôla không thể là một cái gì đó khác hơn các sự kiện vật
lý phức tạp trong bộ não của chúng ta, trông có vẻ không lạ gì so với nhiều
khám phát được thực hiện về bản chất thực sự của các đối tượng và các quá trình
thông thường. Các nhà khoa học đã khám phá ra ánh sáng là gì, làm thế nào cây
phát triển, cơ bắp vận động như thế nào – và việc khám phá ra bản chất sinh học
của ý thức chỉ là vấn đề thời gian. Đó là những gì các nhà vật lý nghĩ.
Còn các
nhà nhị nguyên luận trả lời rằng, tất cả những ví dụ này nói về một thứ hoàn
toàn khác. Khi chúng ta phân tích, ví dụ thành phần hóa học của nước, thì chúng
ta đang thực hiện một công việc với một cái gì đó rõ ràng nằm ngoài chúng ta và
thuộc về thế giới vật lý, với thứ mà chúng ta có thể nhìn thấy và đụng vào. Khi
chúng ta khám phá ra rằng nước được tạo thành từ oxy và hydro, chúng ta đơn thuần
là phân rã vật chất này thành những thành phần vật lý cấu thành nên nó. Bản chất
của loại phân tích này là nó không trao cho phân tích hóa học cảm giác vị giác,
xúc giác, tri giác về nước. Những cảm giác này có vị trí trong kinh nghiệm bên
trong của chúng ta, chứ không phải ở trong nước, thứ mà chúng ta đang phân tích
thành các nguyên tử. Phân tích hóa lý không có bất cứ liên quan nào đến cảm
giác.
Để xác
minh được việc trên thực tế cảm giác về hương vị của sôcôla – đó là một quá
trình ở bên trong bộ não, chúng ta phải phân tích một cái gì đó mang tính tinh
thần – chứ không phải là chất thể vật lý, có thể quan sát bên ngoài, cảm giác vị
giác bên trong này không thể quan sát từ bên ngoài được – về mặt vật lý. Nhưng
vô số các sự kiện vật lý bên trong bộ não với toàn bộ sự phức tạp của chúng
không thể là những bộ phận mà từ đó tạo nên những cảm giác vị giác. Tính toàn vẹn
về mặt vật lý có thể bị phân hủy thành những thành tố vật lý nhỏ hơn, còn quá
trình tinh thần – thì không thể được. Những thành tố vật lý đơn giản không thể
được đưa vào trong tính toàn vẹn tinh thần.
Tồn tại
một quan điểm nữa khác với thuyết nhị nguyên và chủ nghĩa vật lý. Thuyết nhị
nguyên khẳng định rằng, chúng ta được tạo thành thể xác và linh hồn và toàn bộ
đời sống tinh thần được chảy trong linh hồn. Các nhà theo chủ nghĩa vật lý cho
rằng đời sống tinh thần được tạo thành từ các quá trình vật lý và được chảy ở
bên trong bộ não. Nhưng có một khả năng nữa là, đời sống tinh thần được chảy
bên trong bộ não, khi đó tất cả mọi nhận thức, cảm xúc và ước muốn không phải
là các quá trình vật lý của bộ não. Điều này có nghĩa là tất cả khối chất xám của
hàng tỷ tế bào thần kinh chứa bên trong hộp sọ của bạn – chỉ là một đối tượng vật
lý. Nó có nhiều tính chất vật lý, trong lòng nó chứa một số lượng lớn các quá
trình và các sự kiện điện hóa – và các quá trình tinh thần cũng diễn ra trong
nó.
Quan điểm
cho rằng bộ não là nơi cư trú của ý thức, nhưng trạng thái ý thức của nó không
chỉ có và không phải là duy nhất đặc điểm vật lý. Nó được gọi là lý thuyết hai
mặt. Nó được gọi như vậy vì giả định rằng khi các bạn cắn một thanh sôcôla,
trong bộ não của bạn xuất hiện một trạng thái hoặc một quá trình có hai mặt: mặt
vật lý bao gồm hàng loạt thay đổi hóa lý khác nhau, và mặt tinh thần – cảm giác
hương vị của sôcôla. Khi quá trình này diễn ra, nhà khoa học khi nghiên cứu bộ
não của bạn có thể quan sát khía cạnh vật lý của nó, và chính các bạn, ở bên
trong, sẽ trải nghiệm quá trình này với khía cạnh tinh thần của nó: bạn sẽ cảm
giác được hương vị của sôcôla. Nếu lý thuyết này là đúng, thì chính bộ não cũng
có chiều không gian bên trong mà không thể quan sát được từ bên ngoài, kể cả
khi chúng ta tiến hành giải phẫu bộ não. Chính trong không gian này, bạn sẽ có
một vị giác nhất định trong khi một quá trình tương ứng đang diễn ra trong bộ
não của bạn.
Lý thuyết
này có thể được xây dựng như sau: bạn – không phải là thể xác cộng linh hồn, bạn
- chỉ là thể xác, nhưng thể xác của bạn (ít nhất là bộ não) – không phải chỉ
đơn giản là một hệ thống vật chất. Đây là một đối tượng, mà nó có khía cạnh vật
chất và cả khía cạnh tinh thần: nó có thể được mở ra và phân tích nhưng chúng
ta không thể phát hiện và làm lộ ra được khía cạnh bên trong của nó. Có một cái
gì đó khác, một cái gì đó từ bên trong được cảm giác giống như hương vị của
sôcôla, bởi vì não có trạng thái bên trong, trạng thái này xuất hiện khi bạn
đang ăn sôcôla.
Những
người theo chủ nghĩa vật lý tin rằng, không có cái gì tồn tại ngoại trừ thế giới
vật chất, cái mà được nghiên cứu bởi khoa học – thế giới hiện thực khách quan.
Nhưng khi đó, họ cần phải có một cách nào đó để tìm kiếm trong thế giới vị trí
của cảm xúc, ước muốn, tư tưởng và nhận thức – nghĩa là cho bạn và cho tôi.
Một
trong những lý thuyết đưa ra nhằm bổ sung cho chủ nghĩa vật lý khẳng định rằng,
bản chất tinh thần của trạng thái nhận thức của chúng ta nằm ở những quan hệ vừa
xảy ra với các hiện tượng tác động đến chúng ta và với các sự vật mà chúng ta
tác động vào. Ví dụ khi bạn đánh vào đầu gối và cảm thấy đau, thì cái đau đớn
này là một cái gì đó đang diễn ra trong não của bạn. Nhưng sự đau đớn của cái
chỗ bị thương không chỉ là tổng số các đặc tính vật lý của nó, và nó cũng không
phải là một thuộc tính siêu vật chất bí ẩn nào đó. Thay vào đó, cái mà làm cho
nó đau đớn chính là những trạng thái của bộ não của bạn, chúng thường xuất hiện
do những vết thương và buộc chúng ta hét ầm lên một cách tức giận hoặc co rúm lại
để tìm mọi cách tránh khỏi những đối tượng làm chúng ta đau. Và trạng thái này
của bộ não có thể là một trạng thái thuần túy vật chất.
Và rõ
ràng, điều này vẫn chưa đủ để một cái gì đó trở nên đau đớn. Đúng là những vết
thương gây ra sự đau đớn và làm chúng ta la hét và co rúm lại. Nhưng cái đau đớn
được cảm nhận một cách đặc biệt, và điều này rõ ràng là cái gì đó khác biệt so
với bất kỳ mối liên hệ nào của nó với những nguyên nhân và hệ quả của chúng,
cũng như bất kỳ thuộc tính vật chất nào mà nó sở hữu – nếu sự đau đớn trên thực
tế chỉ là một sự kiện trong bộ não của chúng ta. Bản thân tôi tin rằng, khía cạnh
bên trong của sự đau đớn và những kinh nghiệm ý thức khác không thể được phân
tích một cách đầy đủ trong ngôn ngữ của bất kỳ của những mối quan hệ nhân quả với
những tác nhân và hành vi vật chất, kể cả những mối quan hệ này là vô cùng phức
tạp.
Như vậy,
trong thế giới tồn tại hai lại sự vật khác nhau: các sự vật thuộc về hiện thực
vật chất, có thể tiếp cận và quan sát được từ bên ngoài và sự vật thuộc về một
loại khác liên quan đến hiện thực tinh thần, cái mà mỗi chúng ta trải nghiệm
kinh nghiệm bên trong. Điều này không chỉ đúng với tồn tại người: chó, mèo, ngựa
và chim dường như có ý thức, cả cá, kiến và bọ cánh cứng cũng có thể như vậy.
Ai biết được điều này sẽ dừng lại ở đâu?
Chúng
ta sẽ không có một quan niệm tổng quát đầy đủ về thế giới cho tới khi chúng ta
không thể giải thích được làm thế nào để vô số những yếu tố vật chất được kết hợp
với nhau vào trong một cơ thể sinh vật không chỉ có khả năng hoạt động, mà còn
là một tồn tại có ý thức. Nếu ý thức được đồng nhất với một trạng thái hay một
cấu trúc vật chất nào đó, thì khả năng đó sẽ được mở đường cho việc tạo ra một
lý thuyết vật lý thống nhất tâm trí và thể xác, và hơn nữa, có lẽ, là một lý
thuyết vật lý thống nhất cho toàn bộ vũ trụ. Tuy nhiên, những tranh luận chống
lại lý thuyết vật lý thuần túy về ý thức cũng rất mạnh, đủ để lý thuyết vật lý
thống nhất toàn bộ hiện thực là không thể thực hiện được. Nhận thức vật lý đi từ
thành công này đến thành công khác đã loại bỏ ý thức ra khỏi vòng tròn các hiện
tượng mà nó cố gắng giải thích: nhưng trong thế giới, có thể, có rất nhiều điều
không thể hiểu được bằng các phương tiện của khoa học vật lý. /.
- Liên hệ: Hồng Phượng
- Phone/Zalo: 0964 760 502
- Email: hongphuongstore@yahoo.com
- Website: www.hongphuong.net
Nơi mua sắm tin cậy cho bạn và gia đình!