Blog

40 năm trước nổ ra cuộc chiến của các cường quốc cộng sản lớn ở châu Á. Liên Xô vẫn không hành động - Mai K Đa dịch

40 năm trước nổ ra cuộc chiến của các cường quốc cộng sản lớn ở châu Á. Liên Xô vẫn không hành động

bài viết trên báo Lenta.ru của Nga

Chính xác 40 năm trước diễn ra cuộc chiến tranh xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới: Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã vượt biên giới và tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Bắc Kinh muốn trừng phạt người láng giềng vì chính sách quá táo bạo trong khu vực và tình bạn quá nồng nhiệt với Liên Xô, nhưng đã gặp phải một sự kháng cự quyết liệt. Tờ "Lenta.ru" của Nga gợi nhớ lại cuộc chiến đã diễn ra như thế nào giữa hai nước xã hội chủ nghĩa, và tại sao cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng và người Mỹ đóng vai trò gì trong sự kiện này.


Sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979 tại khu vực biên giới Trung Quốc với Việt Nam bình yên. Cư dân của các ngôi làng nằm sát biên giới vẫn đang chìm trong giấc ngủ yên, và những người lính biên phòng vẫn đang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của họ. Và chính họ là người đã bị tấn công đầu tiên bởi lính Trung Quốc: sau một cuộc pháo kích lớn, khoảng 200 nghìn binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua biên giới ở một số nơi với sự hỗ trợ của xe tăng.

Quân đội Việt Nam lúc đầu tránh cuộc chiến trực diện, và sử dụng chiến thuật du kích. Một phần lớn lực lượng của họ vẫn đang tham chiến ở Campuchia, và không thể ngay lập tức tổ chức kháng chiến hiệu quả.

Các đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nhanh chóng tiến 15 - 20 km vào lãnh thổ của Việt Nam, trấn áp thành công sự kháng cự của các lực lượng vũ trang ở đây và đánh chiếm một số thành phố. Đường dẫn về thủ đô - Hà Nội - đã được mở toang...

Việt Nam không xa lạ gì với Trung Quốc: nền văn minh Nho giáo có tác động to lớn đối với người Việt Nam, nhưng quan hệ của các nước hiếm khi được gọi là thân thiện. Sự nóng lên đến vào thế kỷ 19 - đầu tiên, cả hai quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa thực dân, và sau đó, một thế kỷ sau, chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Hai quốc gia đã đoàn kết nhau trong cuộc kháng chiến chống thực dân da trắng – người Pháp trong Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất.

Khi những người nước ngoài bị đánh đuổi khỏi lục địa, sự hiểu biết lẫn nhau tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đến giữa thập niên 1970, lý do của cuộc xung đột lại được tìm thấy - lần này không phải là đế quốc phương Tây, mà là những người anh em cùng chế độ - Liên Xô và chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia. Pol Pot khát máu, người sau đó cai trị ở quốc gia này, thực hiện chính sách đàn áp chưa từng có và diệt chủng của chính dân tộc mình đã gần gũi với Trung Quốc và giúp Trung Quốc thực hiện ảnh hưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam đã không chấp nhận những mánh khóe nhỏ nhặt của Pol Pot, một phần vì người Việt sống ở đất nước của ông đã bị đàn áp. Ngoài ra, Khmer Đỏ thường xuyên đưa ra yêu sách lãnh thổ với một nước láng giềng. Trong khi đó Việt Nam đang trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Mọi thứ thay đổi vào mùa xuân năm 1975: chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Campuchia một lần nữa ra yêu sách đòi hỏi Việt Nam trả lại các vùng lãnh thổ mà chúng cho là thuộc về chúng. Hà Nội đã không tha thứ: đó là cuộc đụng độ quân sự trên các đảo Puli Wai (Hòn Trọc, Hòn Vây, Hòn Bà). Trung Quốc đã cố gắng hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa các bên, nhưng không có gì xảy ra. Giới lãnh đạo Việt Nam, mệt mỏi với những cuộc khiêu khích bất tận ở biên giới, phải đối mặt với thực tế: chế độ Pol Pot phải bị lật đổ.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã kêu gọi giúp đỡ Liên Xô - vào tháng 11 năm 1978, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đã được ký kết giữa hai nước. Một tháng sau, quân đội Việt Nam, được tôi luyện trong các trận chiến với người Mỹ, đã tấn công chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia và trong hai tuần đã phá vỡ sự kháng cự của Khmer Đỏ. Người Việt chấm dứt nạn diệt chủng của người dân bản địa và cho phép viện trợ nhân đạo vào đất nước này, điều này giúp họ có thể đối phó với nạn đói khủng khiếp.

Một loạt các sự kiện như vậy đã gây ra sự phẫn nộ ở Trung Quốc: vào thời điểm đó, Moscow và Bắc Kinh từ lâu không còn là đồng minh, mà là các đối thủ cạnh tranh để được coi là lãnh đạo của toàn bộ thế giới xã hội chủ nghĩa. Cuộc đối đầu này bắt đầu vào những năm 1950 - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cam kết với các ý tưởng của Mao Trạch Đông, đã không chấp nhận việc phi Stalin hóa của Liên Xô. Do đó, tại Bắc Kinh, họ không thể yên tâm chấp nhận tin tức rằng Việt Nam - nước láng giềng gần nhất của Trung Quốc - không chỉ đứng về phía những người xét lại Liên Xô, mà còn cho phép mình giải quyết các vấn đề bằng vũ lực, lật đổ đồng minh Trung Quốc Pol Pot.

Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, nhưng quan hệ của các quốc gia anh em trong khối chủ nghĩa xã hội không được cải thiện. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc đã tuyên bố chính sách cải cách và mở cửa, trong đó dự tính một mối quan hệ xích lại với phương Tây. Điều này có nghĩa là họ từ chối chống lại các nhà tư bản và cạnh tranh với Liên Xô.

Một tháng trước khi tấn công Việt Nam, vào tháng 1 năm 1979, nhà lãnh đạo chính trị tối cao của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình, đã lần đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ. Ở đó, ông tuyên bố rằng ông sẽ dạy một bài học cho Việt Nam.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger kể lại rằng trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, Đặng Tiểu Bình đã tích cực cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ chống lại Liên Xô. Ông cho rằng chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô gây hại không chỉ cho Trung Quốc, mà cả Hoa Kỳ.
Lấy ví dụ, Liên Xô vừa lật đổ Pol Pot và chiếm đóng Campuchia. Theo ông Đặng Tiểu Bình, Hà Nội chỉ thực hiện bước này với sự chấp thuận của Mátxcơva và thỏa thuận hợp tác được ký kết bởi các quốc gia rất có thể có chứa một số điều bí mật của họ. Tuy nhiên, lịch sử đã không giữ lại bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo người Mỹ về cuộc tấn công Việt Nam sắp xảy ra của họ.

Tuy nhiên, điều đó là không thể tránh khỏi: người Việt Nam với những người bảo trợ Liên Xô của họ không chỉ thách thức vị thế và ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc ở Đông Á, mà còn trục xuất cả người gốc Hoa đã tham gia buôn bán trong nhiều năm. Trung Quốc không có ý định đưa ra một danh sách những hành động như vậy của nước láng giềng.

Khi quân đội Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, mở ra tuyến đường trực tiếp đến Hà Nội, sự tiến quân của họ đã dừng lại. Cuộc tấn công của họ dữ dội, nhanh chóng và thậm chí thành công, nhưng sự không chuẩn bị của quân đội Trung Quốc đã dẫn đến sự kinh ngạc của cả các sĩ quan Việt Nam và Liên Xô đã đến để giúp đỡ đồng minh của họ. Những người lính Trung Quốc đã bao phủ kẻ thù bằng biển người: họ chỉ cần đi thành hàng xả sung và trù liệu rằng người Việt Nam sẽ khiếp vía hoặc hết đạn. Ngoài ra, các chỉ huy Việt Nam rất ngạc nhiên khi người Trung Quốc sử dụng xe tăng trên địa hình đồi núi, khiến chúng dễ dàng bị phá hủy bởi các nhóm nhỏ của quân đội Việt Nam.

Hàng chục ngàn người đã chết, nhưng đây không phải là lý do duy nhất để chấm dứt chiến sự. Đầu tiên, Liên Xô đã giúp người Việt chuyển các đơn vị chính từ Campuchia và gửi một số tàu đến bờ biển đất nước - một cuộc đối đầu tiếp theo có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Thứ hai, Cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chính của họ: họ cho thấy Liên Xô có thể gửi cố vấn đến nước này, có thể gửi viện trợ và tàu, nhưng sẽ không bao giờ dám thách thức trực tiếp Trung Quốc, nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Và chỉ có người Trung Quốc mới có thể hành động trong khu vực bằng vũ lực, và nước Nga vĩ đại và hung dữ chỉ là “một con gấu giấy giấy”, chỉ có khả năng chỉ đưa ra những tuyên bố to lớn.

Người Trung Quốc đã rời khỏi Việt Nam - nhưng không đơn giản như vậy. Chúng đã cướp bóc, phá hủy và loại bỏ mọi thứ có thể ở những vùng đất mà chúng chiếm giữ, thậm chí lấy trộm gia súc. Các khu vực biên giới của đất nước Việt Nam bị thiệt hại khủng khiếp.

Kết quả là, không ai nhận ra mình là kẻ thua cuộc. Người Trung Quốc tin rằng với cuộc chiến phòng thủ khốc liệt chống lại Việt Nam, họ đã dạy cho những người hàng xóm vô tư của họ một bài học tốt và cho họ thấy sự hỗ trợ của Liên Xô thực sự phải trả giá bao nhiêu. Tại Việt Nam, họ tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, tự hào rằng những kẻ xâm lược chỉ có thể bị đánh bại bởi các hành động của lực lượng dân quân trước khi có sự tiếp cận của các lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhất.

Theo một số nhà sử học, đối với Trung Quốc, cuộc chiến kéo dài 28 ngày là một thất bại. Đầu tiên, Đặng Tiểu Bình đã không thành công trong việc buộc người Việt Nam rời khỏi Campuchia. Thứ hai, Bắc Kinh dự kiến sẽ lôi kéo lực lượng chính của kẻ thù vào cuộc xung đột biên giới và, nếu không tiêu diệt được chúng, thì ít nhất cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho chúng. Các chỉ huy Việt Nam cũng đã bảo vệ được các nguồn lực quân sự dự bị và chưa sử dụng chúng. Thứ ba, Hoa Kỳ, trái ngược với tham vọng của Bắc Kinh, không đánh giá cao ý tưởng tạo ra một liên minh chống Liên Xô. Và cuối cùng, cuộc xung đột đã chứng minh sự không chuẩn bị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho các hoạt động quân sự hiện tại và chỉ cho giới lãnh đạo đảng của Trung Quốc thấy sự cứng nhắc trong tư duy quân sự của các tướng lĩnh Trung Quốc.


Số nạn nhân chính xác của cuộc xung đột, không ai trong số các bên chưa công bố. Theo một số ước tính ở phương Tây, khoảng 30 nghìn người chết từ phía Trung Quốc, và khoảng 10 nghìn người từ phía Việt Nam. Đồng thời, sau khi kết thúc cuộc xung đột, Việt Nam tiếp tục gây áp lực với các đồng minh Bắc Kinh ở Campuchia và Thái Lan, và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn tấn công quân đội biên phòng Việt Nam trong suốt những năm 1980. Do đó, câu hỏi về ai đã dạy một bài học cho ai đó trong cuộc chiến nhỏ này vẫn còn bỏ ngỏ.

Mai K Đa lược dịch

Type and hit Enter to search

Close