Blog

Mình nhầm chứ không phải là người ta nhầm

Hà Nội, 19/06/2023

Sáng thứ 2 chớm hè, được ngày rảnh rỗi, lấy máy tính ra làm ít việc riêng. Lướt facebook thấy có người share câu chuyện về nồi cơm của Khổng Tử. Đã đọc từ trước rồi, giờ ngồi đọc lại. Câu chuyện thì quen thuộc, ý nghĩa của nó cũng không có gì xa lạ, nhưng cứ mỗi lần đọc đi đọc lại càng thấy lời dạy của các cụ ngày xưa lúc nào cũng thâm thúy và sâu sắc quá. 

Câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử” đã dạy người ta một bài học thấm thía về cách nhìn người, nhìn vật. Đừng vội vàng đánh giá người khác chỉ qua hành động bề ngoài, đừng nhìn nhận họ bằng con mắt thường. Câu chuyện này là một mô típ chuyện không xa lạ, bài học của nó cũng không phải là mới. Nhưng để làm được và thực hành được thì rất khó.

“Nhãn kiến vi thực”, con người ta thường chỉ tin tưởng vào những gì mình tận mắt thấy. Nhưng ở đời lại không đơn giản như thế, những thứ dù chính mắt ta thấy, chính tai ta nghe cũng chưa chắc đã là sự thật. Mọi thứ thường có sự tình uẩn khúc bên trong. 

Nếu chỉ nhìn bằng cặp mắt trần này mà không có sự tìm hiểu thấu đáo và nhận định đúng đắn ở các khía cạnh khác nhau của sự việc thì chúng ta vẫn có thể mắc phải sai lầm, cho dù đó là thánh nhân như Khổng Phu Tử đi chăng nữa.

Thực tế ra, con người thường nhìn từ góc độ của mình, luôn cho rằng, cách tiếp cận, suy nghĩ và tầm nhìn của mình mới đúng, còn của người khác thì có vấn đề cả. Cách tiếp cận đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ tri thức, cảm xúc, đến niềm tin, kinh nghiệm... Nên chuyện suy nghĩ khác nhau là chuyện rất thường tình. Nói chung đạt đến chân lý khách quan là điều gì đó dường như rất khó khăn. 

Dạo này rảnh rổi, lang thang nhặt lá đá ống bơ. Nhìn, thấy, nghe, gặp được nhiều chuyện. Tựu chung lại, là buồn cười. 

Không dám nhận xét hay bình luận gì.

Nhưng biết rằng, mình mới là người nhầm.





Type and hit Enter to search

Close