Blog

“Chiến tranh XHCN đầu tiên”. Vì điều gì mà Trung Quốc đã đánh Việt Nam năm 1979? - Mai K Đa dịch

 Bài trên báo TRANH LUẬN VÀ SỰ KIỆN của Nga với tiêu đề: 
«Первая социалистическая». За что Китай сражался с Вьетнамом в 1979 году?
Nguồn bài báo TẠI ĐÂY

Vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, chiến tranh đã nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam, và đi vào lịch sử như cuộc xung đột toàn diện đầu tiên của hai quốc gia xã hội chủ nghĩa.


Vào đầu năm 1979, thế giới gặp phải một hiện tượng chưa từng có: một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Các nhà phân tích lo ngại một cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhưng Moscow và Bắc Kinh đã có sự tỉnh táo khi không tiếp tục đụng độ biên giới.

Một cuộc chiến thực sự đã nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam. Một cách không chính thức, cuộc xung đột này được gọi là cuộc chiến tranh Chủ nghĩa xã hội đầu tiên.

Sự giúp đỡ các đồng chí Việt Nam

Sau Thế chiến II, những người Cộng sản Trung Quốc đã hỗ trợ những người cùng chí hướng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập chống thực dân Pháp. Sau khi Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột, sự hỗ trợ từ Trung Quốc cho Bắc Việt Nam và các đảng phái ở miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục.

Những người cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực cả từ phía Trung Quốc lẫn Liên Xô trong cuộc chiến chống lại người Mỹ, mặc dù một con mèo đen đã chạy qua giữa hai nhà nước.

Sau khi quân đội Mỹ rút quân và chiến thắng cuối cùng của những người Cộng sản trên khắp Việt Nam vào năm 1975, một nhà nước thống nhất vẫn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô.

Pol Pot 

Cũng trong năm đó, năm 1975, phong trào Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã lên nắm quyền ở nước láng giềng Campuchia. Pol Pot coi Trung Quốc là đồng minh duy nhất của mình và Trung Quốc coi Campuchia là đối trọng với sự ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực.

Tuy nhiên, cuộc diệt chủng do Khmer Đỏ phát động và cuộc xâm lược thường xuyên của các đơn vị của họ vào lãnh thổ Việt Nam đã buộc Hà Nội phải hành động dứt khoát.

Vào ngày 25 tháng 12 năm 1978, các đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Campuchia. Vào ngày 7 tháng 1 năm 1979, quân đội Việt Nam, được hỗ trợ bởi các đối thủ của Pol Pot, đã vào thủ đô của đất nước Phnom Penh.

Pol Pot, cùng với những người cùng chí hướng, rút lui về miền núi và một chính phủ mới do Heng Samrin đứng đầu được thành lập ở thủ đô, được Việt Nam và Liên Xô hỗ trợ

Bắc Kinh dự định dạy cho Việt Nam một bài học

Người Trung Quốc rất tức giận. Lãnh đạo đất nước không quan tâm đến chế độ của Pol Pot tàn ác như thế nào. Bắc Kinh đã mất đi một đồng minh đã bị loại khỏi quyền lực khi giúp đỡ bằng can thiệp quân sự với chính quyền Pol Pot.

"Việt Nam phải bị trừng phạt," - giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quyết định.

Lịch sử lâu dài các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam trải dài qua nhiều thế kỷ đã được chồng thêm trên các mâu thuẫn ý thức hệ hiện nay. Những căng thẳng của mối quan hệ này đã dẫn đến các cuộc tấn công vào người gốc Hoa ở Việt Nam, cũng như người dân tộc Việt ở Trung Quốc. Mỗi sự cố như vậy chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề.

Việc chuyển quân Trung Quốc sang biên giới với Việt Nam được thực hiện vào tháng 12 năm 1978, trước khi chế độ Pol Pot bị lật đổ. Đồng thời, quân đội ở biên giới với Liên Xô và Mông Cổ đã được đưa ra để sẵn sàng chiến đấu: Bắc Kinh không loại trừ phương án can thiệp của Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh chớp nhoáng ở Việt Nam.

"Chiến dịch phòng thủ phủ đầu"

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1979, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng CS Trung Quốc cuối cùng đã phê chuẩn quyết định tiến hành một "chiến dịch phòng thủ phủ đầu".

Lực lượng xâm lược lên tới 44 sư đoàn với tổng số lên tới 600 nghìn người. Tuy nhiên, khoảng 250 nghìn binh sĩ và sĩ quan đã trực tiếp tham gia vào các trận chiến trên lãnh thổ Việt Nam.

Các đơn vị tốt nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam được đặt trên tuyến phòng thủ thứ hai và bao quanh Hà Nội. Trong các khu vực biên giới, lực lượng biên phòng, các đơn vị dân quân tự vệ và một số đơn vị chính quy được triển khai làm quân tiếp viện được triệu tập để đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc. Tổng số quân Việt Nam là khoảng 100 nghìn người.

Sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979, các đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã vượt biên giới sau khi nã pháo binh mạnh mẽ. Cuộc xâm lược diễn ra theo nhiều hướng. Những hướng chính là Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Nhìn chung, cuộc chiến đã diễn ra gần như trên toàn bộ tuyến biên giới Việt - Trung.

Trận chiến bảo vệ Lạng Sơn

Trong ba ngày đầu của cuộc chiến, các đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tìm cách chiếm lấy trung tâm tỉnh Lào Cai và tiến vào một số nơi cách biến giới 15 km. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của người Việt rất mạnh mẽ và cả hai bên đều chịu tổn thất nghiêm trọng.

Cuối tháng 2, sau khi giao tranh dữ dội, quân đội Trung Quốc đã tiếp quản trung tâm hành chính của tỉnh Cao Bằng.

Nhưng những trận chiến khốc liệt nhất diễn ra ở Lang Sơn. Từ thành phố này đến thủ đô của đất nước - Hà Nội -  đường bộ khoảng 150 km. Sự sụp đổ của Lạng Sơn sẽ đưa Việt Nam vào bờ vực của một thảm họa quân sự.

Các chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tỉnh Lạng Sơn trong một khu vực chiến đấu. Ảnh: Shutterstock.com/ Vladimir Vyatkin
Số người chết trong các trận đánh ở Lạng Sơn lên đến hàng ngàn người ở cả hai phía.

Ngày 4 tháng 3, quân đội Trung Quốc đã chiếm được thành phố. Việt Nam ra lệnh tổng động viên, nhưng một thông điệp bất ngờ theo sau: Trung Quốc ngừng hoạt động quân sự và bắt đầu rút quân.

Thật vậy, đến ngày 16 tháng 3, các đơn vị Trung Quốc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, ngoại trừ các khu vực biên giới nhỏ.

Ai thắng?

Có hai quan điểm về nguyên nhân hành động như vậy của Bắc Kinh. Theo quan điểm thứ nhất, Trung Quốc đã đạt được những gì họ muốn: gây ra một thất bại nặng nề cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, giảm bớt áp lực đối với Khmer Đỏ ở Campuchia, và đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Nói tóm lại, "hình phạt" đã hứa đã được thực hiện.

Theo quan điểm thứ hai, Trung Quốc, đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ phía Việt Nam, không thể đạt được một chiến thắng quân sự quyết định. Quân đội đã chịu tổn thất nặng nề, và Liên Xô đã nói rõ: trong trường hợp quân đội Trung Quốc di chuyển về Hà Nội, họ sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn sự thất bại hoàn toàn của một đồng minh. Các chi phí trong trường hợp này rõ ràng đã vượt quá lợi ích và chỉ huy quân đội Trung Quốc đã ra lệnh rút các tiểu đơn vị khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Dù sao, kết quả này cho phép cả hai bên tuyên bố chiến thắng thuộc về họ.

Theo các nhà nghiên cứu độc lập, Trung Quốc thiệt mạng khoảng 26 nghìn người và khoảng 37 nghìn người bị thương trong cuộc xung đột. Mất mát của Việt Nam, tương ứng, lên tới 30 nghìn người thiệt mạng và khoảng 32 nghìn người bị thương.

Khoảng 45 nghìn tòa nhà dân cư, khoảng 900 trường học, 428 bệnh viện, 25 mỏ và 55 doanh nghiệp công nghiệp đã bị phá hủy trong khu vực chiến đấu trên lãnh thổ Việt Nam.

Con đường dài đến hòa bình

Mặc dù chiến tranh kết thúc, cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Cuộc đụng độ biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục kéo dài thêm 11 năm. Đồng thời, trong các trận chiến trong thời kỳ dữ dội, toàn bộ sư đoàn và quân đoàn đã tham gia, và số thương vong lên đến hàng trăm.

Chỉ đến năm 1990 giữa hai nước bắt đầu đàm phán về bình thường hóa quan hệ, đàm phán kết thúc thành công vào tháng 11 năm 1991, trên thực tế, tại thời điểm Liên Xô sụp đổ.

Ngày nay, quan hệ giữa hai nước được đặc trưng bởi sự hợp tác chiến lược và toàn diện, và hợp tác thương mại song phương lên tới hàng chục tỷ đô la.

Nhưng ký ức về cuộc chiến đầu tiên của những người chủ nghĩa xã hội vẫn còn được đề cập tới ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Mai K Đa lược dịch từ tiếng Nga

Type and hit Enter to search

Close